A. TÓM TẮT LÝ THUYẾT
I. MỐI QUAN HỆ DINH DƯỠNG Ở THỰC VẬT
Quá trình sống của thực vật bao gồm rất nhiều quá trình sống : quá trình lấy vật chất và năng lượng từ môi trường ngoài vào cơ thể thực vật ; quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng lấy được thành vật chất của chúng…
a. CO2 khuếch tán qua khí khổng vào lá
b. Quang hợp trong lục lạp của lá
c. Mạch rây vận chuyển các chất hữu cơ từ lá xuống rễ
d. Mạch gỗ vận chuyển nước và muối khoáng từ rễ lên lá
e. Thoát hơi nước qua khí khổng và cutin trên lớp biểu bì lá
- Dòng vận chuyển nước, muối khoáng và chất hữu cơ sẽ cung cấp nguyên liệu cho quang hợp và hô hấp ở thực vật. Thoát hơi nước làm mở khí khổng, giúp CO2 khuếch tán vào lá và O2 khuếch tán ra môi trường ngoài.
II. MỐI QUAN HỆ GIỮA QUANG HỢP VÀ HÔ HẤP Ở THỰC VẬT
Quang hợp và hô hấp ở thực vật có mối quan hệ gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau, sản phẩm của quang hợp là nguyên liệu cho hô hấp và ngược lại.
III. TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT
- Tiêu hóa thức ăn ở động vật đơn bào là tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong tế bào)
- Ở động vật có túi tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào (tiêu hóa trong lòng túi tiêu hóa, bên ngoài tế bào) và tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong các tế bào trên thành túi tiêu hóa)
- Trong ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học của ống tiêu hóa và nhờ tác dụng của dịch tiêu hóa.
IV. HÔ HẤP Ở ĐỘNG VẬT
- Cơ quan hô hấp
+ Cơ quan trao đổi khí ở thực vật là khí khổng
+ Cơ quan trao đổi khí ở động vật là : Bề mặt cơ thể, mang, hệ thống ống khí, phổi.
V. HỆ TUẦN HOÀN Ở ĐỘNG VẬT
- Ở thực vật
+ Hệ thống vận chuyển : Dòng mạch gỗ (quản bào và mạch gỗ), dòng mạch rây (ống rây, tế bào kèm)
+ Động lực của dòng mạch gỗ là lực đẩy của rễ, lực hút do thoát hơi nước ở lá, lực liên kết giữa các phân tử nước với nhau và với thành mạch gỗ.
+ Động lực của dòng mạch rây là sự chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa cơ quan nguồn có áp suất thẩm thấu cao và cơ quan chứa có áp suất thẩm thấu thấp.
- Ở động vật
+ Hệ tuần hoàn động vật gồm có tim và hệ mạch (động mạch, mao mạch, tĩnh mạch)
+ Động lực của sự vận chuyển máu là nhờ sự co bóp của tim. Tim co bóp tạo áp lực đẩy máu đi trong vòng tuần hoàn.
- Cơ thể sống trao đổi chất với môi trường sống bằng cách: Lấy O2 , nước và chất dinh dưỡng từ môi trường vào cơ thể để duy trì sự sống và thải ra môi trường CO2 , nước tiểu, mồ hôi và nhiệt.
- Mối quan hệ về chức năng của các hệ cơ quan
+ Hệ tiêu hóa tiếp nhận chất dinh dưỡng và đưa vào hệ tuần hoàn
+ Hệ hô hấp tiếp nhận O2 / CO2 và đưa vào hệ tuần hoàn.
+ Hệ tuần hoàn vận chuyển O2 / CO2 và chất dinh dưỡng đi cung cấp cho tất cả các tế bào của cơ thể. O2 và chất dinh dưỡng tham gia vào chuyển hóa nội bào tạo ra CO2 và chất bài tiết. Hệ tuần hoàn vận chuyển chất bài tiết đến thận và vận chuyển CO2 đến phổi để thải ra ngoài.
VI. CƠ CHẾ DUY TRÌ CÂN BẰNG NỘI MÔI
Cơ chế duy trì cân bằng nội môi có sự tham gia của bộ phận tiếp nhận kích thích, bộ phận điều khiển và bộ phận thực hiện.
- Bộ phận tiếp nhận kích thích là thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm. Bộ phận này tiếp nhận kích thích từ môi trường (trong và ngoài) và hình thành xung thần kinh truyền về bộ phận điều khiển.
- Bộ phận điều khiển là trung ương thần kinh hoặc tuyến nội tiết. Bộ phận này có chức năng điều khiển hoạt động của các cơ quan bằng cách gửi đi các tín hiệu thần kinh hoặc hoocmôn.
- Bộ phận thực hiện là các cơ quan như thận, gan, phổi, tim, mạch máu,… Bộ phận này dựa trên tín hiệu thần kinh hoặc hoocmôn (hoặc tín hiệu thần kinh và hoocmôn) để tăng hay giảm hoạt động nhằm đưa môi trường trong trở về trạng thái cân bằng và ổn định.