Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

{tocify} $title = {MỤC LỤC BÀI HỌC}

TÓM TẮT LÝ THUYẾT


I. SỰ THỐNG NHẤT GIỮA CÁC HOẠT ĐỘNG SỐNG TRONG CƠ THỂ

- Cơ thể có sự thống nhất trong cấu trúc:

+ Mọi cơ thể đều được cấu tạo từ tế bào.

+ Cơ thể đơn bào được cấu tạo từ một tế bào, các thành phần cấu trúc trong tế bào có sự phối hợp hoạt động với nhau.

+ Cơ thể đa bào được cấu tạo từ nhiều hệ cơ quan; mỗi hệ cơ quan do nhiều cơ quan hợp lại, mỗi cơ quan được tập hợp từ nhiều mô có chức năng giống nhau, mỗi mô do nhiều tế bào có hình dạng và kích thước, cấu tạo và chức năng giống nhau tạo thành.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Một số loại tế bào trong cơ thể người

- Cơ thể có sự thống nhất giữa các hoạt động sống:

+ Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể vì cơ thể có 4 đặc trưng cơ bản là trao đổi chất, sinh trưởng, sinh sản, di truyền mà tất cả những hoạt động này được thực hiện ở tế bào. Khi các tế bào phân chia thì cơ thể lớn lên và có thể thực hiện chức năng sinh sản.

+ Trong cơ thể sinh vật, các hoạt động sống tác động qua lại, trong đó, trao đổi chất gắn liền với chuyển hoá năng lượng. Nhờ trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, cơ thể sinh trưởng, phát triển, cảm ứng và sinh sản.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể

→ Sự thống nhất về cấu trúc và hoạt động sống của cơ thể là biểu hiện cho thấy cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.

II. SỰ THỐNG NHẤT GIỮA TẾ BÀO VỚI CƠ THỂ VÀ MÔI TRƯỜNG

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Mối quan hệ giữa chức năng tế bào, cơ thể và môi trường

- Mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể:

+ Các hoạt động sống ở cấp tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp cơ thể: Tế bào thực hiện trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp năng lượng và vật chất cho toàn bộ cơ thể hoạt động; tế bào phân chia là cơ sở cho sự sinh trưởng phát triển và sinh sản của cơ thể; tế bào cảm ứng là cơ sở cho các phản ứng cảm ứng ở cấp độ cơ thể;…

+ Các hoạt động sống ở cấp cơ thể điều khiển các hoạt động sống ở cấp tế bào: Khi cơ thể có nhu cầu về vật chất và năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản hoặc cảm ứng sẽ điều khiển các hoạt động tương ứng ở cấp độ tế bào. Ví dụ: Khi cơ thể hoạt động mạnh có nhu cầu cao về năng lượng sẽ điều khiển tăng cường hoạt động hô hấp tế bào.

- Mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường:

+ Cơ thể lấy từ môi trường ngoài O2 và chất dinh dưỡng để cung cấp cho các tế bào, tế bào sử dụng các O2 và các chất dinh dưỡng này để tạo ra vật chất và năng lượng cho cơ thể thực hiện các hoạt động sống của mình.

+ Hoạt động sống của tế bào tạo ra CO2 và chất thải sẽ được đào thải ra môi trường thông qua hoạt động đào thải của cơ thể.

+ Cơ thể và tế bào có các phản ứng trả lời các kích thích từ môi trường để đảm bảo sự tồn tại của cơ thể trong môi trường.

→ Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường là những biểu hiện cho thấy cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.


CÂU HỎI SÁCH GIÁO KHOA


Mở đầu trang 161 Bài 35 KHTN lớp 7: Quan sát hình 35.1, cho biết hoạt động của người đang chạy cần có sự phối hợp hoạt động của những cơ quan nào, quá trình nào trong cơ thể.

 Quan sát hình 35.1, cho biết hoạt động của người đang chạy cần có sự phối hợp của những cơ quan nào

Trả lời:

- Người đang chạy cần có sự hoạt động phối hợp của: hệ vận động (cơ, xương,..), hệ tuần hoàn (tim đập, các mạch máu vận chuyển máu,…), hệ hô hấp (hít vào thở ra,..), hệ thần kinh (mắt nhìn,….), hệ bài tiết (tiết mồ hôi,…),…

- Ngoài ra còn có sự phối hợp của các quá trình: chuyển hóa vận chất và năng lượng (tạo ra năng lượng để thực hiện chạy), trao đổi chất, bài tiết,…

I. Sự thống nhất giữa các hoạt động sống trong cơ thể

Câu hỏi 1 trang 161 KHTN lớp 7: Vì sao nói tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể.

Trả lời:

- Tế bào là đơn vị cấu tạo của cơ thể vì:

+ Mọi cơ thể từ đơn bào đến đa bào đều có cấu tạo từ tế bào.

+ Cơ thể đa bào được cấu tạo từ nhiều tế bào phân hóa thành nhiều mô, cơ quan, hệ cơ quan. Trong đó, mỗi hệ cơ quan do nhiều cơ quan hợp lại, mỗi cơ quan được tập hợp từ nhiều mô có chức năng giống nhau, mỗi mô do nhiều tế bào có hình dạng và kích thước, cấu tạo và chức năng giống nhau tạo thành.

- Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể vì tất cả những hoạt động sống như trao đổi chất gắn liền với chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng, phát triển, cảm ứng và sinh sản của cơ thể đều được thực hiện ở tế bào. Khi các tế bào phân chia thì cơ thể lớn lên và có thể thực hiện chức năng sinh sản.

Câu hỏi 2 trang 161 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ chứng minh sự thống nhất giữa các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật.

Trả lời:

- Sự thống nhất giữa các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật: Trong cơ thể sinh vật, các hoạt động sống tác động qua lại, trong đó trao đổi chất gắn liền với chuyển hoá năng lượng. Nhờ trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng mà cơ thể có thể sinh trưởng, phát triển, cảm ứng và sinh sản.

- Ví dụ chứng minh sự thống nhất giữa các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật: Ở thực vật, sự trao đổi chất giữa thực vật với môi trường (hút nước và khoáng, trao đổi khí) giúp thực vật có nguyên liệu thực hiện quá trình quang hợp. Nhờ có quá trình quang hợp, thực vật có nguồn chất hữu cơ để tạo ra vật chất và năng lượng cho các hoạt động sống như sinh trưởng, phát triển, cảm ứng, sinh sản.

Câu hỏi 3 trang 162 KHTN lớp 7: Quan sát hình 35.2 nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật.

 Quan sát hình 35.2 nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

Trả lời:

Mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật:

- Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng có tác động qua lại với sinh sản, cảm ứng, sinh trưởng và phát triển: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp tạo ra năng lượng và vật chất để thực hiện sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản. Ngược lại, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản cũng tạo động lực để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng.

- Ngoài ra, các quá trình sinh sản, cảm ứng, sinh trưởng và phát triển cũng có mối quan hệ qua lại với nhau.

Câu hỏi 4 trang 162 KHTN lớp 7: Vì sao trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có ảnh hưởng quyết định đến các hoạt động sống khác?

Trả lời:

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có ảnh hưởng quyết định đến các hoạt động sống khác vì: Mọi hoạt động sống đều cần có vật chất và năng lượng. Mà trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng sản sinh ra các chất chất cần thiết đi nuôi sống cơ thể, đào thải các chất không cần thiết ra bên ngoài, tạo cho cơ thể sống có đủ năng lượng cho sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản.

Luyện tập 1 trang 162 KHTN lớp 7: Quan sát hình 35.3, cho biết các hình a, b, c, d thể hiện hoạt động sống nào ở cây mướp đắng (khổ qua). Nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống đó.

 Quan sát hình 35.3, cho biết các hình a, b, c, d thể hiện hoạt động sống nào

Trả lời:

- Hoạt động sống của mướp đắng:

 + Hình a: Hoạt động sinh trưởng và phát triển

 + Hình b: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

 + Hình c: Cảm ứng

 + Hình d: Sinh sản

- Mối quan hệ giữa các hoạt động sống: Các hoạt động sống có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, qua lại với nhau. Trong đó, trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng sản sinh ra các chất chất cần thiết đi nuôi sống cơ thể, đào thải các chất không cần thiết ra bên ngoài, tạo cho cơ thể sống có đủ năng lượng cho sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản. Ngược lại, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản cũng tạo động lực để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Sự gắn bó thống nhất giữa các hoạt động sống này sẽ giúp cho cơ thể duy trì sự sống, duy trì nòi giống của loài.

Luyện tập 2 trang 163 KHTN lớp 7: Quan sát hình 35.4, lấy ví dụ cho mỗi hoạt động sống ở chó. Nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống đó.

 Quan sát hình 35.4, lấy ví dụ cho mỗi hoạt động sống ở chó

Trả lời:

- Ví dụ cho mỗi hoạt động sống ở chó:

+ Sinh trưởng và phát triển: chó lớn lên, tăng cân nặng.

+ Cảm ứng: tiết nước bọt khi ngửi thấy mùi thức ăn, sủa khi nhìn thấy nhìn lạ,…

 + Sinh sản: mang thai và đẻ con.

 + Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng: quá trình tiêu hóa thức ăn và thải phân,…

- Mối quan hệ giữa các hoạt động sống đó: Các hoạt động sống có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, qua lại với nhau: Các hoạt động sống có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, qua lại với nhau. Trong đó, trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng sản sinh ra các chất chất cần thiết đi nuôi sống cơ thể, đào thải các chất không cần thiết ra bên ngoài, tạo cho cơ thể sống có đủ năng lượng cho sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản. Ngược lại, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản cũng tạo động lực để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Sự gắn bó thống nhất giữa các hoạt động sống này sẽ giúp cho cơ thể duy trì sự sống, duy trì nòi giống của loài.

Vận dụng trang 163 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ chứng minh mối quan hệ tác động qua lại giữa các hoạt động sống: trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản ở người.

Trả lời:

Ví dụ chứng minh mối quan hệ tác động qua lại giữa các hoạt động sống: trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản ở người:

Cơ thể người luôn thực hiện các quá trình hô hấp, tiêu hóa,… để trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Năng lượng được cung cấp cho các hoạt động sống khác như sinh trưởng và phát triển giúp cơ thể người lớn lên, hoàn thiện các chức năng sống. Bên cạnh đó, cơ thể người sử dụng năng lượng để phản ứng với các kích thích từ môi trường. Khi cơ thể lớn lên đến mức độ nhất định sẽ diễn ra quá trình sinh sản để duy trì nòi giống.

Luyện tập 3 trang 163 KHTN lớp 7: Nêu biểu hiện và vai trò của bốn hoạt động sống đặc trưng cho cơ thể sinh vật theo bảng 35.1 .

 Nêu biểu hiện và vai trò của bốn hoạt động sống đặc trưng cho cơ thể sinh vật

Trả lời:

Các hoạt động sống đặc trưng

Biểu hiện

Vai trò

Trao đổi chất và năng lượng

- Trao đổi nước, trao đổi khí,…

- Cung cấp năng lượng và vật chất cho các hoạt động sống.

Cảm ứng

- Hướng sáng, hướng đất, hướng tiếp xúc,…

- Giúp cơ thể phản ứng với các kích thích của môi trường, đảm bảo sự tồn tại.

Sinh trưởng và phát triển

- Tăng lên về kích thước và khối lượng, phát sinh các cơ quan trong cơ thể.

- Giúp sinh vật lớn lên, hoàn thiện các chức năng sống.

Sinh sản

- Đẻ con, đẻ trứng,…

- Giúp sinh vật duy trì nòi giống.

II. Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường

Câu hỏi 5 trang 164 KHTN lớp 7: Quan sát hình 35.5, phân tích mối quan hệ giữa các hoạt động trong tế bào và cơ thể. Từ đó, chứng minh mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường.

 Quan sát hình 35.5, phân tích mối quan hệ giữa các hoạt động trong tế bào và cơ thể

Trả lời:

- Phân tích mối quan hệ giữa các hoạt động trong tế bào và cơ thể: Các hoạt động sống trong tế bào gồm trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, cảm ứng làm tế bào lớn lên, phân chia hình thành tế bào mới để giúp cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản, cảm ứng. Như vậy, các hoạt động sống ở cấp tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp cơ thể; các hoạt động sống ở cấp cơ thể điều khiển các hoạt động sống ở cấp tế bào.

- Chứng minh mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường: Tế bào và cơ thể có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và với môi trường. Cơ thể lấy từ môi trường ngoài oxygen, nước, chất dinh dưỡng đồng thời thải ra ngoài môi trường CO2 và chất thải đảm bảo cho tế bào, cơ thể có thể thực hiện được các hoạt động sống bình thường.

Luyện tập 4 trang 164 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường ở thực vật và động vật.

Trả lời:

- Ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường ở thực vật: Lá lấy khí CO2, nước, muối khoáng từ ngoài môi trường để thực hiện quá trình quang hợp. Quá trình quang hợp tạo ra các chất hữu cơ cung cấp cho các tế bào và cơ thể để thực hiện các hoạt động sống khác như sinh trưởng, phát triển, cảm ứng, sinh sản. Đồng thời, các chất thải từ thực vật cũng điều tiết các yếu tố hàm lượng khí, nhiệt độ, độ ẩm,… trong môi trường.

- Ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường ở động vật: Cơ thể con mèo lấy O2, thức ăn từ môi trường để sinh trưởng, phát triển. Thức ăn, O2 qua quá trình trao đổi chất và năng lượng trong tế bào được biến đổi thành năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống như sinh sản, cảm ứng,…của cơ thể. Khi đó cơ thể lại thải các chất dư thừa, CO2 ra ngoài môi trường.

Luyện tập 5 trang 164 KHTN lớp 7: Vì sao nói cơ thể là một thể thống nhất?

Trả lời:

Nói cơ thể là một thể thống nhất, vì:

- Tất cả các thành phần cấu trúc của tế bào, tế bào, mô, cơ quan, bộ phận trong một cơ thể đều có sự liên quan, phối hợp với nhau để thực hiện các hoạt động sống của cơ thể: Nhờ cơ thể lấy các chất dinh dưỡng, nước, chất khoáng và oxygen từ môi trường mà tế bào thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống.

- Trong cơ thể sinh vật, các hoạt động sống tác động qua lại mật thiết đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của toàn bộ cơ thể như một thể thống nhất: Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng. Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.


BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA




SÁCH BÀI TẬP


Giải SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 76

Bài 35.1 trang 76 SBT Khoa học tự nhiên 7: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời các câu hỏi.

Hoạt động sống của tế bào

Hoạt động sống của tế bào biểu hiện ở quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, lớn lên, phân chia và cảm ứng.

Mỗi tế bào sống trên cơ thể luôn luôn được cung cấp các chất dinh dưỡng. Ở tế bào luôn xảy ra quá trình tổng hợp các hợp chất hữu cơ phức tạp từ những chất đơn giản được hấp thu vào trong tế bào. Đồng thời, trong tế bào cũng luôn xảy ra quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ thành những chất đơn giản và giải phóng năng lượng cần thiết cho cơ thể. Tế bào có khả năng lớn lên, sinh sản và cảm ứng. Sự sinh sản của tế bào là khả năng phân chia trực tiếp hoặc gián tiếp để tạo nên những tế bào mới. Sự cảm ứng là khả năng thu nhận và phản ứng trước những kích thích vật lí, hóa học của môi trường quanh tế bào.

Ở cơ thể còn non, các tế bào sinh sản nhanh chóng làm cho cơ thể sinh trưởng và phát triển. Ở cơ thể trưởng thành, quá trình này vẫn tiếp tục nhưng thường chậm lại. Trong quá trình sống, nhiều tế bào chết đi và được thay thế bằng các tế bào mới.

Câu hỏi:

1. Kể tên các hoạt động sống xảy ra trong tế bào. Nêu vai trò của mỗi hoạt động sống đó.

2. Nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong tế bào. Cho ví dụ minh họa.

Lời giải:

1. Các hoạt động sống xảy ra trong tế bào và vai trò của mỗi hoạt động sống đó:

Hoạt động sống

Vai trò của hoạt động sống

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

Cung cấp vật chất và năng lượng cho các hoạt động sống khác của tế bào.

Lớn lên

Giúp tế bào tích lũy vật chất, chuẩn bị cho phân chia.

Phân chia

Tạo nên những tế bào mới, là cơ sở cho sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể.

Cảm ứng

Thu nhận và phản ứng trước những kích thích vật lí, hóa học của môi trường quanh tế bào đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của tế bào.

2.

- Nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong tế bào: Các hoạt động sống ở tế bào có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đảm bảo sự thống nhất toàn vẹn cho tế bào tồn tại và phát triển. Trong đó, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng để tế bào thực hiện các hoạt động sống khác như lớn lên, phân chia, cảm ứng; đồng thời, sự lớn lên, phân chia, cảm ứng cũng có sự ảnh hưởng lẫn nhau và là động lực thúc đẩy sự trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng.

- Ví dụ minh họa: Khi chạy bộ, các tế bào cơ hoạt động mạnh để tạo nên sự vận động liên tục của cơ thể. Khi tế bào cơ hoạt động mạnh, nhu cầu năng lượng của tế bào cơ tăng lên kéo theo quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của tế bào phải tăng lên.

Bài 35.2 trang 76 SBT Khoa học tự nhiên 7: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời các câu hỏi.

Cơ thể sinh vật là một khối thống nhất

Sinh vật đa bào bao gồm rất nhiều cơ quan, hệ cơ quan khác nhau. Mỗi cơ quan đảm nhận một nhiệm vụ riêng nhưng tất cả đều được cấu tạo bằng các tế bào nên tế bào được coi là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể sống. Các tế bào tồn tại, luôn luôn đổi mới thành phần, lớn lên và phân chia là do thường xuyên được cung cấp các chất dinh dưỡng dưới dạng các hợp chất đơn giản, nhờ đó các tế bào có thể tổng hợp nên những chất phức tạp cho từng cơ quan và cơ thể. Những hợp chất đơn giản này lại là kết quả của quá trình biến đổi những hợp chất phức tạp có trong thành phần thức ăn lấy ở môi trường ngoài. Trong quá trình hoạt động của các tế bào đòi hỏi phải tiêu dùng năng lượng. Nguồn năng lượng này chính là do quá trình phân giải các hợp chất chứa năng lượng có trong thành phần của tế bào cung cấp, nhờ oxygen của không khí bên ngoài đưa tới tận các tế bào. Kết quả của quá trình phân giải, một mặt tạo ra năng lượng, nhưng mặt khác cũng tạo ra các sản phẩm phân hủy, không cần thiết cho cơ thể, thậm chí còn có hại, các chất này sẽ được thải ra ngoài qua các cơ quan bài tiết.

Như vậy, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể không biệt lập mà phối hợp, ăn khớp với nhau một cách nhịp nhàng để thực hiện các quá trình sinh lí cơ bản, đó là quá trình trao đổi chất ở phạm vi tế bào, giữa tế bào với môi trường trong cơ thể để đảm bảo cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở trong tế bào có thể được thực hiện một cách liên tục. Các quá trình trên thực hiện được nhờ chính sự trao đổi chất với môi trường ngoài thông qua các cơ quan khác nhau (ví dụ ở động vật, đó là các cơ quan như: tiêu hóa, hô hấp, bài tiết và tuần hoàn).

Sự thay đổi hoạt động sống của cơ thể liên quan đến sự tăng, giảm nhu cầu năng lượng của các tế bào, từ đó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của các cơ quan của cơ thể. Hệ thần kinh có chức năng điều khiển, điều hòa và phối hợp hoạt động của các cơ quan trong cơ thể phù hợp với sự thay đổi hoạt động từng lúc, ở từng nơi, phù hợp với nhu cầu trao đổi chất của cơ thể ở động vật, thực hiện bằng cơ chế phản xạ và có sự tham gia, hỗ trợ của các tuyến nội tiết trong sự điều hòa hoạt động của các cơ quan, đảm bảo cho cơ thể là một khối thống nhất toàn vẹn. Ngoài ra, còn có các cơ quan sinh sản thực hiện chức năng duy trì nòi giống, đảm bảo cho sự tồn tại của loài thông qua quá trình sinh sản.

Câu hỏi:

1. Vì sao nói tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể sống?

2. Trình bày mối quan hệ giữa tế bào và cơ thể.

3. Nêu mối quan hệ giữa cơ thể và môi trường.

4. Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.

Lời giải:

1. Tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể sống vì:

- Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào.

- Tất cả các hoạt động sống ở tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp độ cơ thể.

2. Mối quan hệ giữa tế bào và cơ thể:

- Tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể sống: Mọi cơ thể sống từ đơn bào đến đa bào đều được cấu tạo từ tế bào. Phần lớn hoạt động sống của cơ thể diễn ra ở tế bào, giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống nhịp nhàng.

- Cơ thể trao đổi các chất với môi trường, sau đó chuyển đến tế bào để thực hiện trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, giúp tế bào lớn lên, sinh sản, cảm ứng.

3. Mối quan hệ giữa cơ thể và môi trường:

Các hoạt động sống của tế bào và cơ thể được thực hiện được nhờ chính sự trao đổi chất với môi trường ngoài thông qua các cơ quan khác nhau: Nhờ cơ thể lấy chất dinh dưỡng, nước, chất khoáng và O2 từ môi trường mà tế bào thực hiện được thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống. Đồng thời, các sản phẩm thải từ hoạt động của tế bào và cơ thể sẽ được thải ra ngoài môi trường qua các cơ quan bài tiết.

4. Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất:

- Tất cả các thành phần cấu trúc của tế bào, tế bào, mô, cơ quan, bộ phận trong một cơ thể đều có sự liên quan, phối hợp với nhau để thực hiện các hoạt động sống của cơ thể: Nhờ cơ thể lấy các chất dinh dưỡng, nước, chất khoáng và oxygen từ môi trường mà tế bào thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống.

- Trong cơ thể sinh vật, các hoạt động sống tác động qua lại mật thiết đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của toàn bộ cơ thể như một thể thống nhất: Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng. Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn