Cổ nhân có câu: "Tinh nãi trí tuệ, âm nãi tà ác", nghĩa là sao?

Trí tuệ cổ nhân đúc kết bài học rằng, làm người có thể khôn ngoan, nhưng tuyệt đối đừng nham hiểm, kẻo tự rước họa vào thân.


Cổ nhân có câu: "Tinh nãi trí tuệ, âm nãi tà ác", tạm hiểu rằng tinh khôn, ấy là trí tuệ; âm hiểm, ấy là tà ác. Sống ở đời, con người có thể khôn khéo, giữ ý để bảo vệ bản thân, nhưng tuyệt đối đừng nham hiểm tổn hại người khác.



Mưu hại người khác là mưu hại chính mình


Có chuyện như sau: Ở kinh thành xưa có một người thợ giặt vô cùng chăm chỉ, cửa tiệm lúc nào cũng đông đúc. Hàng xóm của ông là thợ gốm, việc làm ăn lẹt đẹt, thấy vậy rất lấy làm ganh tị. Người này cho rằng, ắt là do tiệm giặt ảnh hưởng đến phong thủy của mình, nên mới bày mưu hãm hại hàng xóm.


Một ngày nọ, thợ gốm yết kiến nhà vua, nói rằng người thợ giặt có kỹ nghệ tổ truyền, có thể giặt cho voi đen thành voi trắng. Nhà vua nghe xong thì lấy làm mừng rỡ, vì nước này chỉ có voi đen, trong khi voi trắng được coi là biểu tượng của sự tốt lành, điềm báo cho sự thịnh vượng và giàu mạnh. Sau đó, vua cho vời thợ giặt đến, hạ lệnh cho ông giặt những con voi đen thành voi trắng.


Người thợ giặt không dám kháng chỉ, về đến nhà không khỏi thở dài. Vợ ông hỏi rõ nguyên nhân, cuối cùng đưa ra một chủ ý. Hôm sau, người thợ giặt đến yết kiến nhà vua và nói rằng: "Cái chậu giặt của nhà thần nhỏ quá, không thể chứa được một con voi. Vậy nên, xin bệ hạ ra lệnh cho người thợ gốm làm một cái bồn to có thể chứa được cả con voi".


Nhà vua bèn hạ lệnh cho người thợ gốm trong ba ngày phải làm ra một cái bồn lớn theo đúng ý người thợ giặt. Lần này người thợ gốm chết lặng, bởi đây căn bản là điều bất khả thi. Cuối cùng, người thợ gốm vì không thể làm ra chiếc bồn trong thời gian quy định mà bị nhà vua khép tội chết.


Vậy mới thấy, người trong tâm nuôi dưỡng ác niệm, chỉ trực mưu hại kẻ khác, cuối cùng sẽ nhận quả báo. Tưởng như ta chỉ 1 ngón tay vào kẻ khác, thì có tới 3 ngón đang tự chỉ vào chính mình. Làm người hãy sống cho thiện lương, bạn đối đãi thế giới này thế nào, thì thế giới này cũng sẽ đối đãi lại với bạn y như vậy.


Làm người có thể tinh minh, nhưng tuyệt đối không thể nham hiểm


Làm người có thể tinh ranh, khôn khéo, nhưng tuyệt đối không nên nham hiểm. Khôn ngoan và thiện lương không phải là mối quan hệ đối lập, mà thiện lương là cảnh giới cao nhất của khôn ngoan. Trong khi đó, kẻ quá nham hiểm, chỉ muốn ám hại người khác, phần nhiều không có kết cục tốt đẹp.


Vốn dĩ, thông minh là chuyện tốt, nhưng lại dụng trí khôn vào mưu kế đấu đá, tranh thua, hại người lợi mình thì khó có kết cục an lành. Khổng Tử nói: "Thái quá cũng như chưa đạt", tức làm bất kỳ việc gì cũng nên có chừng mực. Tinh minh thái quá là đại kỵ của bậc trí giả. Đạo đối nhân xử thế là ở ức chế chứ không phải ở khuếch trương, là ở cất giấu chứ không phải ở hiển lộ.


Cổ nhân có dạy, nham hiểm là con đường hướng tới vực thẳm nguy hiểm, khó có thể quay đầu. Mọi việc xấu mà một người làm kỳ thực là phủ một lớp thuốc nổ cho đường đời sau này, và một tia lửa nhỏ bất cứ lúc nào cũng đều có thể kích nổ toàn bộ cuộc đời của anh ta.


Suy cho cùng, sống trên đời hãy giữ cái tâm thật tốt, sống thiện lương. Lương thiện rồi, tâm hồn sẽ được thanh thản, đường đời nhờ vậy mới sẽ càng đi càng tốt đẹp, càng đi càng rộng mở. Một đời này của chúng ta có thể không đạt được thành tựu lớn lao, nhưng chúng ta nhất định phải có được sự bình an trong tâm hồn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn