Các nhà tâm lý học từ lâu đã quan tâm đến việc cha mẹ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, việc tìm ra mối liên hệ thực tế giữa hành động cụ thể của cha mẹ và hành vi sau này của con là rất khó.
Một số trẻ em được nuôi dưỡng trong những môi trường khác nhau có thể có tính cách giống nhau. Ngược lại, những đứa trẻ ở chung nhà và được nuôi dưỡng trong cùng một môi trường có thể lớn lên với những tính cách rất khác nhau.
Bất chấp những thách thức này, các nhà nghiên cứu đã cho rằng, phong cách nuôi dạy con có tác động tới trẻ em. Thậm chí, tác động đó có thể kéo dài ngay cả khi trẻ trưởng thành.
Bốn phong cách nuôi dạy con
Vào những năm 1960, nhà tâm lý học Diana Baumrind đã thực hiện một nghiên cứu trên hơn 100 trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp quan sát, phỏng vấn phụ huynh và một số cách khác. Bà đã xác định được một số khía cạnh quan trọng của việc nuôi dạy con.
Những khía cạnh này bao gồm: Kỷ luật, sự ấm áp, phong cách giao tiếp, kỳ vọng về sự trưởng thành và kiểm soát. Dựa trên những khía cạnh này, Baumrind gợi ý, phần lớn cha mẹ thể hiện một trong ba phong cách nuôi dạy con khác nhau. Nghiên cứu sau đó của Maccoby và Martin đã đề xuất thêm một phong cách nuôi dạy con thứ tư. Mỗi phong cách có những ảnh hưởng khác nhau đến hành vi của trẻ.
Phong cách làm cha mẹ Không quan tâm
Mức độ can thiệp và chấp nhận con: Thường xuyên bị căng thẳng và stress vì công việc và cuộc sống, không dành thời gian, tình cảm và sức lực để quan tâm đến sinh hoạt và cảm xúc của con. Một số phụ huynh giao phó hẳn cho ông bà hoặc người giúp việc quyết định mọi chuyện của con.
Mức độ kiểm soát con cái: Hầu như không kiểm soát bất kỳ hành vi nào của con, để con tự ý cư xử và hành động theo ý con muốn.
Mức độ cho con quyền quyết định: Không quan tâm đến quan điểm và suy nghĩ của con. Để mặc con tự quyết định mọi việc.
Với phong cách làm cha mẹ Không quan tâm, con trẻ sẽ lớn lên với rất nhiều vấn đề tâm sinh lý như: không có khả năng kiểm soát bản thân, kết quả học tập kém, trầm cảm, hoặc có những biểu hiện xa cách xã hội, dễ vướng vào tệ nạn.
Phong cách làm cha mẹ Dễ dãi
Mức độ can thiệp và chấp nhận con: Thể hiện tình cảm ấp áp với con. Tuy nhiên, cha mẹ dễ dãi thường chiều chuộng con thái quá và không sát sao trong việc dạy bảo con.
Mức độ kiểm soát con cái: Ít khi kiểm soát bất kỳ hành vi của con, để con tự ý cư xử và hành động, dù cho con có hỗn hào hay có những hành vi sai trái, vì họ nghĩ rằng: “Trẻ con mà, có biết gì đâu, kệ đi!”
Mức độ cho con quyền quyết định: Cho phép con được tự do làm mọi việc, kể cả những việc không phù hợp với khả năng và độ tuổi của con.
Con cái của những cha mẹ Dễ dãi thường lớn lên trở thành những thanh thiếu niên bốc đồng, không biết vâng lời, nổi loạn, không kiên trì trong các hoạt động, kết quả học tập kém và khó đạt được thành công.. Ngoài ra, con còn thể hiện tính cách hay đòi hỏi, phụ thuộc vào người lớn, luôn đòi hỏi người khác phải phục tùng mình.
Phong cách làm cha mẹ Độc đoán
Mức độ can thiệp và chấp nhận con: Thường hay thể hiện sự lạnh lùng, ít bày tỏ tình cảm với con. Có xu hướng hay hạ thấp, “dìm” con xuống và hiếm khi ghi nhận hay khuyến khích những nỗ lực của con. Muốn con lớn lên theo ý muốn cha mẹ.
Mức độ kiểm soát con cái: Câu cửa miệng thường xuyên của cha mẹ độc đoán là: “Người lớn nói thì phải nghe! Bố mẹ bảo làm vậy thì làm ngay đi!”. Nếu con không nghe lời, con sẽ bị phạt nặng, bị đánh, bị tổn thương.
Mức độ cho con quyền quyết định: Đối với những bậc cha mẹ Độc đoán, con cái phải luôn phục tùng, không được cãi lời thì mới là trẻ ngoan. Vì vậy, con thường không được tự ý quyết định việc gì, mà phải chờ sự cho phép của bố mẹ.
Khi được nuôi dạy bởi cha mẹ độc đoán, con thường xuyên ở trong trạng thái lo âu, tự ti về bản thân và ít khi cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Khi bị dồn ép và quá bức bối, con sẽ phản ứng lại với thái độ hằn học cùng với sự giận dữ giống như bố mẹ.
Đáng lo hơn, có một dạng cha mẹ độc đoán “ngầm”, là những người thường lợi dụng nhu cầu tâm lý của con trẻ là luôn cần tình yêu thương của bố mẹ để kiểm soát và điều khiển con. Họ sẽ thường nói những câu: “Con mà không ngoan, không nghe lời, mẹ sẽ không bao giờ thương con nữa”. Hoặc, “Con mà không làm theo lời bố, bố sẽ bỏ con luôn ở đây”. Tương tự như hình phạt về thể chất, những lời nói này là một dạng hình phạt tinh thần nặng nề, dễ gây cho con cảm giác lo sợ bị bỏ rơi, sợ bố mẹ không còn thương mình nữa.
Phong cách làm cha mẹ Quyết đoán
Mức độ can thiệp và chấp nhận con: Thể hiện tình cảm ấp áp với con, luôn để ý, nhạy cảm và tâm lý với mọi hành vi, suy nghĩ và nhu cầu của con. Hiểu rõ bản chất và chấp nhận cá tính riêng của con.
Mức độ kiểm soát con cái: Luôn đặt ra những giới hạn nhất quán nhưng đồng thời kiểm soát con một cách vừa phải, hợp lý và đặt ra những yêu cầu phù hợp với khả năng và độ tuổi của con. Mong đợi con cư xử đúng mực, và xem việc kỷ luật là một cơ hội để chỉ dạy cho con cách làm tốt hơn.
Mức độ cho con quyền quyết định: Khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, lắng nghe con và giải thích cho con một cách kiên nhẫn. Cho con được tự quyết định những việc trong khả năng của con và trong tầm kiểm soát của bố mẹ. Khi có bất đồng quan điểm giữa bố mẹ và con cái, sẽ cùng ngồi lại để thống nhất với nhau.
Con cái của những cha mẹ Quyết đoán thường lớn lên trở thành những thanh thiếu niên tự tin, có đạo đức với thái độ sống tích cực, có khả năng kiểm soát bản thân tốt, biết hợp tác với mọi người, có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội cao, dễ đạt được thành công trong cuộc sống.
Tác động từ phong cách nuôi dạy con
Những phong cách nuôi dạy con này có ảnh hưởng gì đến kết quả phát triển của trẻ? Ngoài nghiên cứu ban đầu của Baumrind, các nhà khoa học đã tìm hiểu về tác động của phong cách nuôi dạy con. Trong đó, cha mẹ độc đoán thường nuôi dạy những trẻ ngoan. Tuy nhiên, mức độ hạnh phúc, năng lực xã hội và lòng tự trọng của trẻ thấp hơn thông thường.
Phong cách nuôi dạy con có thẩm quyền sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc, có năng lực và thành công. Trái lại, việc nuôi dạy con dễ dãi thường dẫn đến những đứa trẻ có thứ hạng thấp về mức độ hạnh phúc và khả năng tự điều chỉnh. Những đứa trẻ này có nhiều khả năng gặp vấn đề với quyền hạn và có xu hướng học kém ở trường. Kiểu cha mẹ không quan tâm đến con thường khiến trẻ thiếu tự chủ, có lòng tự trọng thấp và kém năng lực hơn các bạn cùng lứa.
Trong 4 phong cách nuôi dạy con này, thì cách nuôi dạy con và làm cha mẹ quyết đoán là tối ưu nhất, để có thể giúp con trẻ cảm thấy hạnh phúc, trở thành người có khả năng và dễ thành công trong tương lai.
Vậy cụ thể, các bậc phụ huynh cần phải thực hành những gì khi nuôi dạy con, để có thể trở thành cha mẹ quyết đoán thành công? Làm sao để có thể nuôi dạy con hiệu quả, giúp con trở thành một người có năng lực và vững vàng trong tương lai?
Câu trả lời nằm ở mối quan hệ yêu thương, sự tôn trọng và hợp tác giữa bố mẹ và con cái; bố mẹ làm gương cho con trong mọi hành động; kỷ luật tích cực và dạy con đúng cách; ở bên con đồng hành, khuyến khích và hướng dẫn con trang bị những kỹ năng sống quan trọng cho tương lai.