Bài 18: Trai sông

Ở nước ta, ngành Thân mềm rất đa dạng, phong phú như: trai, sò, ốc, hến, ngao, mực… và phân bố ở khắp các môi trường: biển, sông, ao, hồ, trên cạn.

Trai sông sống ở đáy ao, sông, ngòi; bò và ẩn nửa mình trong bùn cát.

I. HÌNH DẠNG, CẤU TẠO:

1. Vỏ trai:

- Thân trai mềm nằm trong 2 mảnh vỏ. Đầu vỏ hơi tròn, đuôi hơi nhọn.

- Vỏ trai gồm 2 mảnh gắn với 2 cơ khép vỏ (bám chắc vào mặt trong của vỏ) điều chỉnh động tác đóng, mở vỏ.

- Vỏ trai có lớp sừng bọc ngoài, lớp đá vôi ở giữa và lớp xà cừ óng ánh ở trong cùng.

2. Cơ thể trai:

- Dưới vỏ là áo trai, mặt ngoài áo tiết ra lớp vỏ đá vôi.

- Mặt trong áo tạo thành khoang áo, là môi trường hoạt động dinh dưỡng của trai. Tiếp đến là 2 tấm mang ở mỗi bên. Ở trung tâm cơ thể: phía trong là thân trai và phía ngoài là chân trai.

- Muốn mở vỏ trai, ta dùng dao cắt cơ khép vỏ trước và cơ khép vỏ sau. Cơ khép vỏ bị cắt đi trai sẽ tự động mở ra.

- Trai chết thì cơ khép vỏ không hoạt động nữa nên trai mở vỏ.

- Mài mặt ngoài trai ta thấy có mùi khét, vì phía ngoài vỏ trai là lớp sừng có thành phần là chất hữu cơ nên khi mài nóng, nó sẽ có mùi khét.

3. Trai tự vệ như thế nào?

Thuộc ngành Thân mềm, với cơ thể là thân mềm và không có cơ quan tự vệ nên trai tự vệ bằng cách xây cho mình lớp vỏ vững chắc và màu vỏ giống màu môi trường sống để lẩn tránh kẻ thù.

II. DI CHUYỂN:

- Vỏ trai hé mở cho chân trai hình lưỡi rìu thò ra hướng về phía muốn đi tới., lúc này trai hút nước vào trong. Sau đó, chân trai thụt vào đồng thời với việc khép vỏ vào, tạo lực đẩy do nước phụt ra ở ống rãnh (ống thoát nước), làm trai tiến về phía trước.

- Nhờ chân trai thò ra rồi thụt vào, kết hợp với động tác đóng mở vỏ mà trai di chuyển chậm chạp trong bùn với tốc độ 20 – 30cm một giờ, để lại phía sau một đường rãnh trên mặt bùn.

III. DINH DƯỠNG:

- Hai mép vạt áo phía sau cơ thể trai tạm gắn với nhau tạo nên ống hút nước và ống thoát nước.

- Động lực chính hút nước là do hai đôi tấm miệng phủ đầy lông luôn rung động tạo ra..

- Trai lấy mồi ăn (thường là vụn hữu cơ, động vật nguyên sinh) và ôxi chỉ nhờ vào cơ chế lọc từ nước hút vào. Dòng nước qua ống hút vào khoang áo mang theo thức ăn và nước uống vào miệng trai và mang trai. Trai có thể hút lọc được khoảng 40 lít nước trong một ngày đêm. Đó là kiểu dinh dưỡng thụ động.

IV. SINH SẢN:

- Cơ thể trai phân tính.

- Đến mùa sinh sản, trai cái nhận tinh trùng của trai đực chuyển theo dòng nước vào để thụ tinh, trứng non đẻ ra được giữ trong tấm mang. 

- Ấu trùng nở ra, sống trong mang mẹ một thời gian rồi bám vào da và mang cá một vài tuần nữa rồi mới rơi xuống bùn phát triển thành trai trưởng thành.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn