I. CÁC NHÓM CHIM:
Hiện nay lớp Chim được biết khoảng 9 600 loài được xếp trong 27 bộ. Ở Việt Nam đã phát hiện 830 loài. Lớp Chim được chia thành ba nhóm sinh thái lớn: nhóm Chim chạy, nhóm Chim bơi và nhóm Chim bay.
1. Nhóm Chim chạy:
- Đời sống: Chim hoàn toàn không biết bay, thích nghi với tập tính chạy nhanh trên thảo nguyên và hoang mạc khô nóng.
- Đặc điểm cấu tạo thích nghi với tập tính chạy nhanh trên thảo nguyên: Cánh ngắn, yếu. Chân cao, to, khỏe, có 2 hoặc 3 ngón.
- Đa dạng: Bộ Đà Điểu gồm 7 loài, phân bố ở châu Phi, châu Mĩ và châu Đại Dương.
- Đại diện: Đà điểu Phi, đà điểu Mĩ và đà điểu Úc.
2. Nhóm Chim bơi:
- Đời sống: Chim hoàn toàn không biết bay, đi lại trên cạn vụng về, song thích nghi cao với đời sống bơi lội trong biển.
- Đặc điểm cấu tạo thích nghi với đời sống bơi lội: Bộ xương cánh dài, khỏe; có lông nhỏ, ngắn và dày, không thấm nước. Chim có dáng đứng thẳng. Chân ngắn, 4 ngón, có màng bơi.
- Đa dạng: Bộ Chim cánh cụt gồm 17 loài sống ở bờ biển Nam Bán Cầu.
- Đại diện: Chim cánh cụt.
3. Nhóm Chim bay:
- Đời sống: Nhóm Chim bay gồm hầu hết những loài chim hiện nay. Chúng là những chim biết bay ở những mức độ khác nhau. Chúng có thể thích nghi với những lối sống đặc biệt như bơi lội (vịt trời, mòng két), ăn thịt (chim ưng, cú).
- Đặc điểm cấu tạo: Cánh phát triển, chân có 4 ngón.
- Đại diện: Chim bồ câu, chim én…
II. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA CHIM:
Chim là những động vật có xương sống thích nghi cao đối với sự bay lượn và với những điều kiện sống khác nhau. Chúng có những đặc điểm chung sau: mình có lông vũ bao phủ; chi trước biến đổi thành cánh; có mỏ sừng; phổi có mạng ống khí, có túi khí tham gia vào hô hấp; tim có 4 ngăn, máu đỏ tươi nuôi cơ thể, là động vật hằng nhiệt. Trứng lớn có vỏ đá vôi, được ấp nở ra con nhờ thân nhiệt của chim bố mẹ.
III. VAI TRÒ CỦA CHIM:
- Chim ăn các loại sâu bọ và gặm nhấm làm hại nông nghiệp, lâm nghiệp và gây bệnh dịch cho con người.
- Chim được chăn nuôi (gia cầm) cung cấp thực phẩm, làm cảnh. Chim cho lông (vịt, ngan ngỗng) làm chăn, đệm hoặc làm đồ trang trí (lông đà điểu).
- Chim được huấn luyện để săn mồi (cốc đế, chim ưng, đại bàng), chim phục vụ du lịch, săn bắt (vịt trời, ngỗng trời, gà gô…)
- Chim có vai trò trong tự nhiên (vẹt ăn quả rụng phát tán cây rừng hoặc chim hút mật ăn mật hoa giúp cho sự thụ phấn cây…).
- Tuy nhiên có một số loài chim có hại cho kinh tế nông nghiệp như chim ăn quả, chim ăn hạt, chim ăn cá…