Câu 1: Bản thân em đã miễn dịch với những bệnh nào từ sự mắc bệnh trước đó và với những bệnh nào từ sự tiêm phòng (chích ngừa)?
Tùy cá nhân mỗi học sinh. Gợi ý: Bản thân em miễn dịch được với những bệnh như: thủy đậu và sởi từ sự mắc bệnh trước đó và những bệnh từ sự tiêm phòng như: quai bị, viêm gan B, ...
Câu 2: Người ta thường tiêm phòng (chích ngừa) cho trẻ em những loại bệnh nào?
Người ta thường tiêm phòng (chích ngừa) cho trẻ em những loại bệnh: bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não, bại liệt, bệnh sởi – rubella, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn.
ĐỌC THÊM: Lịch tiêm chủng trẻ em
1. Vacxin BCG: Đây là Vacxin phòng bệnh lao và cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi trẻ được sinh ra.
2. Vacxin viêm gan B liều sơ sinh: Vacxin viêm gan B được sử dụng để phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24h sau sinh.
3. Vacxin SII (vắc xin 5 trong 1): phòng được 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắc xin SII được tiêm 3 mũi gồm và 1 mũi nhắc thứ 4 cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi:
+ Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
+ Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
+ Mũi tiêm thứ 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
+ Mũi tiêm thứ 4: khi trẻ từ 12-24 tháng tuổi.
4. Vacxin phòng bại liệt (OPV): giúp phòng bệnh bại liệt với 3 liều uống:
+ Uống liều thứ 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
+ Uống liều thứ 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
+ Uống liều thứ 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
5. Vacxin phòng bại liệt (IPV): giúp phòng bệnh bại liệt với 1 liều tiêm: khi trẻ đủ 5 tháng tuổi.
6. Vacxin phòng bệnh sởi (MVVac): gồm có 1 mũi tiêm: khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.
7. Vacxin phòng bệnh sởi – rubella (MRVac): Văc-xin được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
8. Vacxin tiêm nhắc bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT): được tiêm khi trẻ đủ 24-48 tháng.
9. Vacxin viêm não Nhật Bản (Jevax): trẻ cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
+ Mũi thứ 1: khi trẻ được 12 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 2: cách mũi thứ nhất 1-2 tuần.
+ Mũi thứ 3: cách mũi thứ hai 1 năm.
10. Vacxin phòng tả: Tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi từ 2-5 tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch, uống 2 liều.
11. Vacxin thương hàn: Tiêm ngừa cho trẻ từ 3-10 tuổi, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ dịch bùng phát.
12. Vacxin uốn ván: Cần tiêm ít nhất 2 mũi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-45 tuổi) và tiêm cho trẻ ngay sau khi được sinh ra để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này.)
Câu 3:
a. Máu có cả kháng nguyên A và B có truyền cho người có nhóm máu O được không? Vì sao?
- Máu cho có kháng nguyên A và B.
- Máu người nhận là nhóm máu O, có kháng thể α và β.
Vì kháng nguyên A gặp kháng thể α và kháng nguyên B gặp kháng thể β gây kết dính hồng cầu của người cho trong huyết tương của người nhận nên không truyền được.
b. Máu không có kháng nguyên A và B có thể truyền cho người có nhóm máu O được không? Vì sao?
- Máu cho có không có kháng nguyên A và B.
- Máu người nhận là nhóm máu O, có kháng thể α và β.
Vì kháng thể α không gặp kháng nguyên A và kháng thể β không gặp kháng nguyên B không gây kết dính hồng cầu của người cho trong huyết tương của người nhận nên không truyền được.
c. Máu A truyền được có người có nhóm máu B hay không? Vì sao?
- Máu cho là nhóm máu A, có kháng nguyên A.
- Máu người nhận là nhóm máu B, có kháng thể α.
Vì kháng nguyên A gặp kháng thể α gây kết dính hồng cầu nên không truyền được.
d. Máu có nhiễm các tác nhân gây bệnh (Virut viêm gan B, HIV…) có thể đem truyền cho người khác được không? Vì sao?
Máu có nhiễm các tác nhân gây bệnh (virut gây viêm gan B, virut HIV...) không dược đem truyền cho người khác vì sẽ gây nhiễm các bệnh này cho người được truyền máu.
Câu 4: Hãy giải thích câu nói: chỉ cần ngưng thở 3 – 5 phút thì máu qua phổi sẽ chẳng có O2 để mà nhận.
- Trong 3 – 5 phút ngừng thở, không khí trong phổi cũng ngừng lưu thông, nhưng tim không ngừng đập, máu không ngừng lưu thông qua các mao mạch ở phổi, trao đổi khí ở phổi cũng không ngừng diễn ra.
- O2 trong không khí ở phế nang không ngừng khuếch tán vào máu và CO2 không ngừng khuếch từ mao mạch máu vào không khí phế nang.
- Bởi vậy, nồng độ O2 trong không khí ở phổi hạ thấp tới mức không đủ áp lực để khuếch tán vào máu nữa.
Câu 5: Nhờ đâu nhà du hành vũ trụ, người lính cứu hỏa, người thợ lặn có thể hoạt động bình thường trong môi trường thiếu O2 (trong không gian vũ trụ, trong đám cháy, dưới đáy đại dương).
Khi ở trong không gian vũ trụ, trong đám cháy, dưới đáy đại dương nhà du hành vũ trụ, người lính cứu hỏa, người thợ lặn đều có thiết bị cung cấp O2 để hoạt động hô hấp diễn ra bình thường trong môi trường thiếu O2.
Câu 6: Trồng nhiều cây xanh có lợi ích gì trong việc làm trong sạch bầu không khí quanh ta?
- Trong quá trình quang hợp, thực vật lấy vào khí cácbônic và nhả khí ôxi ra môi trường ngoài, góp phần giữ cân bằng các khí này trong không khí.
- Nhờ tác dụng cản bớt ánh sáng và tốc độ gió, thực vật có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, tăng lượng mưa của khu vực.
- Những nơi có nhiều cây cối như ở vùng rừng núi thường có không khí trong lành vì lá cây có tác dụng ngăn bụi, diệt một số vi khuẩn, giảm ô nhiễm môi trường.
Câu 7: Hút huốc lá có hại như thế nào cho hệ hô hấp?
Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc và có hại cho hệ hô hấp như sau:
- CO: Chiếm chỗ của O2 trong hồng cầu, làm cho cơ thể ở trạng thái thiếu O2, đặc biệt khi cơ thể hoạt động mạnh.
- NOx: Gây viêm, sung lớp niêm mạc, cản trở trao đổi khí; có thể gây chết ở liều cao.
- Nicôtin: Làm tê liệt lớp lông rung trong phế quản, giảm hiệu quả lọc sạch không khí; có thể gây ung thư phổi.
Câu 8: Tại sao trong đường dẫn khí của hệ hô hấp đã có những cấu trúc và cơ chế chống bụi, bảo vệ phổi mà khi làm lao động vệ sinh hay đi đường vẫn cần đeo khẩu trang chống bụi?
Mật độ bụi khói trên đường phố nhiều khi quá lớn, vượt quá khả năng làm sạch đường dẫn khí của hệ hô hấp, bởi vậy nên đeo khẩu trang chống bụi khi đi đường và khi lao động vệ sinh.
Câu 9: Dung tích sống là gì? Quá trình luyện tập để tăng dung tích sống phụ thuộc vào các yếu tố nào?
- Dung tích sống là thể tích lớn nhất của lượng không khí mà một cơ thể hít vào và thở ra.
- Dung tích sống phụ thuộc vào tổng dung tích phổi và dung tích khí cặn. Dung tích phổi phụ thuộc dung tích lồng ngực, mà dung tích lồng ngực phụ thuộc sự phát triển của khung xương sườn trong độ tuổi phát triển, sau độ tuổi phát triển sẽ không phát triển nữa. Dung tích khí cặn phụ thuộc vào khả năng co tối đa của các cơ thở ra, các cơ này cần luyện tập đều từ bé.
Câu 10: Các chất cần cho cơ thể như nước, muối khoáng, các loại vitamin khi vào cơ thể theo đường tiêu hóa thì cần phải qua những hoạt động nào của hệ tiêu hóa? Cơ thể người có thể nhận các chất này theo con đường nào khác không?
- Các chất cần cho cơ thể như nước, muối khoáng, các loại vitamin khi vào cơ thể theo đường tiêu hóa thì phải trải qua các hoạt động như: ăn, đẩy thức ăn trong ống tiêu hóa, hấp thụ thức ăn.
- Cơ thể người có thể nhận các chất này theo con đường khác là tiêm (chích) qua tĩnh mạch vào hệ tuần hoàn máu, hoặc qua kẽ giữa các tế bào nước mô rồi lại vào hệ tuần hoàn máu.
Câu 11: Hãy giải thích nghĩa đen về mặt sinh học của câu thành ngữ " Nhai kĩ no lâu".
Nghĩa đen về mặt sinh học của thành ngữ "Nhai kĩ no lâu" là khi nhai càng kĩ thì hiệu suất tiêu hóa càng cao, cơ thể hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng nên no lâu hơn.
Câu 12: Với khẩu phần ăn đầy đủ các chất, sau tiêu hóa ở khoang miệng và thực quản thì còn lại những loại chất nào trong thức ăn cần được tiêu hóa tiếp?
Với khẩu phần ăn đầy đủ các chất, sau tiêu hóa ở khoang miệng và thực quản thì những chất trong thức ăn vẫn cần được tiêu hóa tiếp là: gluxit, lipit, prôtêin, axit nuclêic.
Câu 13: Khi ta ăn cháo hay uống sữa, các loại thức ăn này có thể được biến đổi trong khoang miệng như thế nào?
Khi ta ăn cháo hay uống sữa, sự biến đổi các loại thức ăn này trong khoang miệng bao gồm:
- Với cháo: thấm một ít nước bọt, một phần tinh bột trong cháo bị enzim amilaza phân giải thành mantôzơ.
- Với sữa: thấm một ít nước bọt, sự tiêu hóa hóa học không diễn ra ở khoang miệng do thành phần hóa học của sữa là prôtêin.
Câu 14: Với khẩu phần thức ăn đầy đủ các chất, sau tiêu hóa ở dạ dày thì còn những loại chất nào trong thức ăn nào cần tiêu hóa tiếp?
Với khẩu phần thức ăn đầy đủ nhất, sau khi tiêu hóa ở dạ dày thì vẫn còn những chất trong thức ăn cần được tiêu hóa tiếp tục ở ruột là: lipit, gluxit, prôtêin, axit nuclêic.